Ngày 24/6/1967, Việt Nam và Cam-pu-chia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. 55 năm qua, trải qua các giai đoạn lịch sử và những biến cố của thời đại, tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống, sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia không ngừng được củng cố, phát triển và đạt được những thành tựu to lớn.
Việt Nam và Cam-pu-chia cùng nằm trên bán đảo Đông Dương, thuộc vùng hạ lưu sông Mê Công, đều có nguồn gốc nền văn minh nông nghiệp lúa nước với lịch sử lâu đời ở khu vực Đông Nam Á. Việt Nam và Cam-pu-chia có chung đường biên giới 1.137 km trải dài suốt 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh của Cam-pu-chia. Từ những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1970 - 1975), với âm mưu phá hoại khối liên minh đoàn kết chiến đấu giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia và giữa hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia, chia rẽ những người cộng sản Cam-pu-chia, tập đoàn Pôn Pốt với sự hậu thuẫn của bọn phản động nước ngoài đã ra sức vu khống Việt Nam, tuyên truyền, bôi nhọ hình ảnh Việt Nam, đồng thời thi hành chính sách diệt chủng tàn khốc, tra tấn hành hạ dã man người dân vô tội, đẩy Cam-pu-chia trước thảm họa diệt vong. Bất chấp mọi nỗ lực ngoại giao vì hòa bình của Việt Nam, tập đoàn Pôn Pốt chủ động gây ra các cuộc xung đột, lấn chiếm biên giới Tây Nam Việt Nam, tàn phá làng mạc, gây nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam. Trước hành động xâm lược của quân Pôn Pốt và đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, Quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia đã mở cuộc tổng phản công - tiến công trên toàn tuyến biên giới. Kết quả đã thu hồi toàn bộ phần lãnh thổ bị lấn chiếm. Sau đó, đã tổng công kích vào thủ đô Phnômpênh, giải phóng thủ đô.
Ngày 07/1/1979, đất nước Cam-pu-chia giải phóng, phần lớn lực lượng Pôn Pốt bị tiêu diệt và tan rã. Thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam một lần nữa khẳng định ý chí độc lập tự chủ và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam, đồng thời khẳng định tinh thần quốc tế cao cả của Việt Nam. Đối với nhân dân Cam-pu-chia, chiến thắng ngày 07/1/1979 có ý nghĩa lịch sử đặc biệt to lớn: Xóa bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng của tập đoàn Pôn Pốt, thành lập chế độ cộng hòa nhân dân Cam-pu-chia, giành lại quyền độc lập tự chủ cho nhân dân Cam-pu-chia, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Sau chiến thắng 07/1/1979, Việt Nam và Cam-pu-chia ký Hiệp ước Hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Nhân dân hai nước tiếp tục sát cánh cùng nhau ngăn chặn sự trở lại của chế độ diệt chủng, mang lại sự hồi sinh cho đất nước Chùa Tháp. Hàng nghìn cán bộ, chuyên gia Việt Nam và cán bộ, chiến sỹ Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục được cử sang giúp nhân dân Cam-pu-chia xây dựng đất nước, đồng thời truy quét tàn quân Pôn Pốt ở vùng biên giới phía Tây, Tây Bắc và nội địa. Cán bộ, chiến sỹ Quân tình nguyện Việt Nam đã chiến đấu, khắc phục khó khăn, thử thách, giúp nhân dân Campuchia từng bước khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế,… Hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ Quân tình nguyện Việt Nam đã không bao giờ trở về nữa, họ đã hy sinh vì sự nghiệp quốc tế cao cả trên đất nước bạn.
Với phương châm“Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, những năm gần đây, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Cam-pu-chia ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hằng năm, lãnh đạo cấp cao hai nước đều có các cuộc gặp gỡ, trao đổi dưới nhiều hình thức và đạt được nhiều thỏa thuận chiến lược, vừa định hướng cho tổng thể quan hệ, vừa kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sự hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục khoa học - kỹ thuật từng bước phát triển tích cực. Trên nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp, các lĩnh vực hợp tác song phương Việt Nam - Cam-pu-chia tiếp tục được đẩy mạnh. Các cơ chế hợp tác song phương và đa phương được coi trọng và thúc đẩy hiệu quả như: Hội nghị xúc tiến đầu tư và thương mại vào Campuchia; Hội chợ thương mại Việt Nam - Cam-pu-chia; Hội nghị hợp tác thương mại biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia; giao lưu, hợp tác giữa các bộ, ngành, đoàn thể địa phương hai nước... Hai bên chủ động, tích cực triển khai các hiệp định giữa hai Chính phủ và thỏa thuận tại các kỳ họp Ủy ban hỗn hợp về kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời trao đổi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy hợp tác.
Hai bên phối hợp chặt chẽ giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở mỗi nước; thực hiện tốt Nghị định thư về quốc phòng và Kế hoạch hợp tác hàng năm về quốc phòng, an ninh giữa hai Bộ Quốc phòng, giữa Bộ Công an Việt Nam với Bộ nội vụ Cam-pu-chia. Hai bên hợp tác xây dựng tuyến biên giới ổn định và phát triển bền vững; kịp thời phối hợp ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả các hoạt động chống phá của thế lực thù địch; phối hợp ngăn chặn các loại tội phạm xuyên quốc gia nhất là buôn bán ma túy; hợp tác chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại Cam-pu-chia; phối hợp trung tu 23/25 Đài hữu nghị Việt Nam-Campuchia tại các tỉnh/thành của Cam-pu-chia. Tăng cường phối hợp trong các hoạt động đối ngoại quốc phòng, an ninh và ngoại giao tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Về biên giới, hai nước đã hoàn thành phân giới cắm mốc khoảng 84% biên giới trên đất liền (1.045 km) với 2.048 cột mốc biên giới được cắm tại 1.554 vị trí, đồng thời ký 02 văn kiện pháp lý ngày 5/10/2018 ghi nhận thành quả phân giới căm mốc đã đạt được ghi nhận 84% thành quả phân giới, cắm mốc, do đó trên toàn tuyến chỉ còn khoảng 213km chưa phân giới. Ngày 22/12/2020 hai nước phối hợp tổ chức Lễ trao đổi văn kiện phê chuẩn theo hình thức trực tuyến để hai văn kiện pháp lý về biên giới chính thức có hiệu lực. Việc ký kết hai văn kiện pháp lý này có ý nghĩa to lớn, đặt nền tảng để hai bên duy trì ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực biên giới.
Đặc biệt, trong hơn 2 năm qua, dù đại dịch Covid-19 tác động bất lợi đến sự phát triển ở mỗi nước, nhưng quan hệ Việt Nam - Cam-pu-chia vẫn không ngừng được thúc đẩy. Hai nước chung tay phòng chống dịch bệnh hiệu quả, giúp đỡ nhau bằng nhiều hình thức cả về tinh thần và vật chất.
Tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia 55 năm qua góp phần quan trọng vào những thành tựu đạt được ở mỗi quốc gia, là cơ sở, nền tảng vững chắc để hai nước tiếp tục phát huy trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai.